BÀI TUYÊN TRUYỀN NGHỊ ĐỊNH SỐ 118/2021/NĐ-CP NGÀY 23/12/2021 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Vừa qua ngày 23/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nghị định gồm 5 Chương với 43 Điều, cụ thể:
Tại khoản 2, Điều 7 Nghị định đã bổ sung việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có hiệu lực, mà không xác định được Nghị định để áp dụng theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt được thực hiện như sau:
+ Nếu hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để xử phạt.
+ Nếu hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt.
Bổ sung hướng dẫn việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại Khoản 1, Điều 8 theo nguyên tắc như sau:
+ Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính.
+ Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước.
Tại Điều 10 Nghị định cũng quy định rõ việc giao quyền và chấm dứt việc giao quyền cho cấp phó trong xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên trong thời hạn giao quyền những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, việc giao quyền chấm dứt khi hết thời hạn giao quyền, người đực giao quyền nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm,….
Nghị định đã bổ sung quy định thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính được quy định tại Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính là 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.
Đồng thời, Điểm b, Khoản 1, Điều 9 Nghị định cũng quy định nguyên tắc áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ đối với một hành vi vi phạm để xác định mức phạt tiền, cụ thể: trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt, nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt theo quy định.
Ngoài ra Nghị định cũng quy định về việc giao biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi lập biên bản vi phạm hành chính hoặc có mặt nhưng từ chối nhận hoặc có căn cứ cho rằng cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh không nhận biên bản, thì việc giao biên bản vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính về việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Nghị định này thay thế Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 của Chính phủ và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/08/2017 của Chính phủ.