Bài viết: Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy 2021
1. Sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 trong tình hình hiện nay.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn như:
Thứ nhất, chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá). Trong khi đó chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội, nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong nhân dân. Do đó, cần phải quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và “có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 18/6/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Thứ hai, quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập. Số người nghiện gia tăng: tính đến tháng 6/2021, cả nước có trên 246.648 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp. Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn; công tác quản lý sau cai không còn phù hợp. Công tác xã hội hóa cai nghiện còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất ở một số cơ sở cai nghiện còn thiếu, xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng; các học viên sau khi cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về cộng đồng khó kiếm việc làm để ổn định cuộc sống.
Thứ ba, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) có một số nội dung chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Cụ thể như: mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.
Ngoài ra, còn một số vấn đề của thực tiễn đang đặt ra, nhưng Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) chưa đáp ứng được, cụ thể như: Chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho cơ chế phối hợp điều tra của lực lượng điều tra trong nước với các nước, các tổ chức phòng, chống ma túy quốc tế; chưa có chính sách ưu đãi đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Một số hoạt động chưa được đưa vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy như tạm nhập tái xuất, rất dễ bị các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội về ma túy. Một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất cũng chưa được quy định kiểm soát.
Cho nên, căn cứ vào Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 18/6/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Chỉ thị số 25-CT/TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình hiện nay, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, đặc biệt là trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện.
2. Những điểm mới đáng chú ý của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 gồm 08 chương, 55 điều với những quy định cụ thể chặt chẽ và phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở kế thừa các điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) thì có những điểm mới nổi bật như:
- Mở rộng phạm vi điều chỉnh, cụ thể: Luật này quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
- Tách khái niệm “tội phạm ma túy” ra khỏi “tệ nạn ma túy” nhằm xác định đúng tính chất của “tội phạm ma túy” và “tệ nạn ma túy” vì tệ nạn là hiện tượng xã hội còn tội phạm là hành vi cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự cần tập trung đấu tranh.
- Bổ sung nhiều khái niệm, hành vi rất sát hợp với tình hình thực tế, nổi bật như: khái niệm “người sử dụng trái phép chất ma túy”, “xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể”, khái niệm “cai nghiện ma túy”, “cơ sở cai nghiện ma túy”; khái niệm thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm (nổi bật như cấm kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy).
- Bổ sung quy định cụ thể về nguồn tài chính cho phòng, chống ma túy; quy định về kiểm soát đối với tiền chất, kiểm soát đối với các hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất…
- Xây dựng mới quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV); sửa đổi toàn diện quy định về cai nghiện ma túy (Chương V), từ đó khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cai nghiện trong thời gian qua, bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời bổ sung các quy định mới bảo đảm công tác cai nghiện có hiệu quả.
Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy.