Xác Định Mức Độ Khuyết Tật Theo Quy Định Pháp Luật Hiện Hành

 

        Việc xác định mức độ khuyết tật là một trong những căn cứ giúp cơ quan quản lý nhà nước về người khuyết tật đảm bảo thực hiện đúng các chính sách với người khuyết tật, giúp người sử dụng lao động sắp xếp, bố trí vị trí việc làm phù hợp với người khuyết tật, tạo điều kiện để họ phát huy khả năng vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sông, hòa nhập cộng đồng.  

       Theo quy định hiện hành của pháp luật, xác định mức độ khuyết tật hiện nay áp dụng theo Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH Quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019 thay thế Thông tư liên tịch 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ngày 28/12/2012. Thông tư có một số nội dung đáng chú ý sau:

  1. Quy định về hoạt động của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật

       Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định thành lập, bao gồm các thành viên: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng; Trạm trưởng trạm y tế cấp xã; Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội; Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã; Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.

       Hội đồng xác định mức độ khuyết tật hoạt động theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 16 Luật Người khuyết tật, đồng thời có nhiệm vụ xác định dạng tật và mức độ khuyết tật; xác định lại mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật khi có sự kiện làm thay đổi mức độ khuyết tật. Cùng với đó, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm tổ chức và chủ trì các hoạt động của Hội đồng. Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật hoàn thiện hồ sơ xác định mức độ khuyết tật; tham khảo ý kiến của cơ sở giáo dục về thông tin của người được xác định mức độ khuyết tật nếu người đó đang đi học, bao gồm những khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này; mời đại diện cơ sở giáo dục trên địa bàn cấp xã (nơi đối tượng học tập) dự họp xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng (nếu cần thiết). Đối với Trạm trưởng trạm y tế cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin về chuyên môn y tế liên quan đến người khuyết tật cho Hội đồng.

2. Quy định về phương pháp xác định mức độ khuyết tật

       Về phương pháp xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Người khuyết tật. Cụ thể, Hội đồng quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội quy định tại Phiếu xác định mức độ khuyết tật ban hành kèm theo Thông tư này và các phương pháp đơn giản khác để xác định dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật.

      Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, Hội đồng căn cứ hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật, sử dụng phương pháp xác định mức độ khuyết tật quy định tại Khoản 1 Điều này; phỏng vấn người đại diện hợp pháp của trẻ em và sử dụng “Phiếu xác định mức độ khuyết tật đối với trẻ em dưới 6 tuổi” theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này để xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.

      Đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên, Hội đồng căn cứ hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật, sử dụng phương pháp xác định mức độ khuyết tật quy định tại Khoản 1 Điều này, phỏng vấn người được xác định mức độ khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật và sử dụng “Phiếu xác định mức độ khuyết tật đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên” theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này để xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.

3. Quy định thủ tục và trình tự thực hiện xác định, xác định lại mức độ khuyết tật

       Khi có nhu cầu xác định, xác định lại mức độ khuyết tật thì người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Thông tư này gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật. Khi nộp hồ sơ cần xuất trình các giấy tờ sau để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu các thông tin kê khai trong đơn: Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của đối tượng, người đại diện hợp pháp; Giấy khai sinh đối với trẻ em; Sổ hộ khẩu của đối tượng, người đại diện hợp pháp.

       Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người đề nghị, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này; Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ; Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp quy định tại Điều 3 Thông tư này; lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.

        Đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Hội đồng căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP.

        Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật được tiến hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trạm y tế. Trường hợp người khuyết tật không thể đến được địa điểm quy định trên thì Hội đồng tiến hành quan sát và phỏng vấn người khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật. Trường hợp Hội đồng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng không khách quan, chính xác thì Hội đồng chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của pháp luật.

       Về thủ tục và trình tự cấp Giấy xác nhận khuyết tật: Đối với trường hợp do Hội đồng thực hiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản kết luận của Hội đồng về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã niêm yết, thông báo công khai kết luận của Hội đồng tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp Giấy xác nhận khuyết tật. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo hoặc không đồng ý với kết luận của Hội đồng thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, Hội đồng tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể và trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại, tố cáo. Còn đối với trường hợp do Hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết luận của Hội đồng Giám định y khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận khuyết tật.

       Đổi mới hình thức, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về phôi mẫu Giấy xác nhận khuyết tật (Giấy xác nhận hiện nay được quy định in 2 mặt, thu nhỏ lại với khổ 66mm x 98mm so với mẫu quy định trước đây là khổ 90mm x 120mm). Đồng thời, quy định và giao trách nhiệm cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức in phôi Giấy xác nhận khuyết tật để cấp cho UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.

       Có thể khẳng định thực hiện tốt những quy định về xác định mức độ khuyết tật là một nội dung quan trọng góp phần bảo vệ quyền của người khuyết tật theo tính thần Hiến pháp 2013. Trong thời gian vừa qua, các cấp, ngành tỉnh Sơn La đã dành nhiều sự quan tâm và tập trung triển khai các cơ chế, chính sách trợ giúp hiệu quả đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc có nhiều người khuyết tật sinh sống trên địa bàn rộng, giao thông đi lại không thuận lợi, điều kiện kinh tế khó khăn, việc tiếp cận các quy định của pháp luật còn hạn chế. Bởi vậy đối với nhiều người khuyết tật và gia đình của họ, việc hoàn thiện thủ tục để cấp giấy xác nhận khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ quan điểm người khuyết tật không chỉ là đối tượng cần được ưu tiên, mà họ còn cần được nhìn nhận là lực lượng lao động tiềm năng, có vai trò tích cực với xã hội, trong thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và có những giải pháp cụ thể hỗ trợ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận làm thủ tục dễ dàng hơn

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 270.414
    Online: 8