Một số điểm mới của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018

Ngày 15/11/2018 Quốc Hội đã kí ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) gồm 5 chương với 28 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 để thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000, văn bản này đã nâng tầm pháp lý về công tác Bảo vệ bí mật nhà nước ở nước ta giai đoạn hiện nay.

Nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định mới có hiệu lực rộng rãi đến nhân dân trên địa bàn, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 4 giới thiệu một số điểm nổi bật của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018, cụ thể như sau:

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nước 2018 đã xác định lại khái niệm bí mật nhà nước theo hướng khái quát, nhưng đảm bảo chặt chẽ, đáp ứng tính ổn định của Luật, cụ thể: Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác. Đây là cơ sở để phân biệt giữa bí mật nhà nước với các loại bí mật khác, như bí mật công tác, bí mật đời sống riêng tư, bí mật gia đình…

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ BMNN thay cụm từ "công dân" thành cụm từ "cá nhân" trong trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước, điều này đồng nghĩa không chỉ công dân Việt Nam mà tất cả cá nhân người nước ngoài, người không quốc tịch sống trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải có trách nhiệm trong bảo vệ bí mật nhà nước.

          Luật Bảo vệ BMNN quy định 9 nhóm hành vi và đã cụ thể, rõ ràng từng hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước, và có nhiều hành vi mới quy định cho phù hợp với thực tiễn như: Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu; Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước; Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép; Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

Ngoài ra, Luật quy định cụ thể thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước (Tuyệt mật: 30 năm; Tối mật: 20 năm; Mật: 10 năm). Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước được gia hạn nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Luật cũng quy định cụ thể thế nào là giải mật và các trường hợp bí mật nhà nước được giải mã, mở rộng thẩm quyền cho phép tiêu hủy bí mật nhà nước đối với trường hợp bí mật nhà nước không cần thiết phải lưu giữ và việc tiêu hủy không gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 270.464
    Online: 8