Hà Tĩnh  tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính,

nâng cao đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức

và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Theo kết luận số 29-KL/TU ngày 22/07/2021

-----

Thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức); các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa bằng các quy định, quy chế, hướng dẫn và tổ chức thực hiện, bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ý thức, trách nhiệm chưa cao, đạo đức công vụ chưa tốt, chưa thực sự là công bộc của dân; vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính như đi muộn, về sớm, giải quyết việc riêng trong giờ hành chính; làm việc hình thức, đối phó, né tránh trách nhiệm; giao tiếp, ứng xử thiếu chuẩn mực; một số cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng việc thực thi nhiệm vụ, vị trí công tác để tư lợi, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên do: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của một số cấp ủy, chính quyền chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt. Mối quan hệ công tác giữa cấp ủy, tổ chức đảng với chính quyền có nơi chưa rõ ràng. Phương pháp quản lý cán bộ, công chức, viên chức chưa phù hợp, chưa phát huy được năng lực, sở trường, thiếu đổi mới, sáng tạo. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa thực sự hiệu quả. Việc quán triệt, tổ chức thực hiện các quy định, quy chế thiếu thường xuyên; chưa gắn việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính vào việc đánh giá, xếp loại đối với tổ chức đảng, đảng viên, tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hằng năm. Người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đề cao trách nhiệm nêu gương. Chưa phát huy tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; công tác kiểm tra, giám sát chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa thường xuyên nên việc phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chưa kịp thời, xử lý thiếu nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe, giáo dục...

Để siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

1. Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện các quy định, quy chế của Trung ương và của tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở các chủ trương, các quy định, quy chế của Trung ương và của tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa các quy chế, quy định, chuẩn mực đạo đức để quản lý, nhận xét, đánh giá ý thức chấp hành, kết quả thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò, trách nhiệm và đề cao sự gương mẫu của người đứng đầu.

 2. Cán bộ, công chức, viên chức luôn nêu cao ý thức trách nhiệm thực hiện đúng các quy định về đạo đức công vụ, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và những việc cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên không được làm theo quy định của Đảng, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định liên quan, trong đó lưu ý:

2.1. Những việc phải thực hiện thường xuyên

- Sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất; làm việc tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm, chuyên nghiệp, khoa học, tạo ra sản phẩm cụ thể; phát huy tính tích cực, chủ động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, nhuần nhuyễn trong công việc, có quan điểm, chính kiến rõ đối với những nội dung mới, nội dung khó.

- Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc. Chấp hành nghiêm nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, địa phương.

 - Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thành, tận tụy, khiêm tốn, giản dị.

- Thực hiện nghiêm quy định bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước, Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, kỷ luật phát ngôn; tích cực đấu tranh phản bác các thông tin sai trái thù địch.

- Gìn giữ chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

- Tuân thủ thứ bậc hành chính, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ của tổ chức, người có thẩm quyền.

- Tích cực phối hợp, giúp đỡ chân thành đồng chí, đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ.

- Tôn trọng, lắng nghe ý kiến, tận tình hướng dẫn, giải quyết kịp thời, đúng quy định các kiến nghị, phản ánh chính đáng của người dân, doanh nghiệp; nghiêm túc nhận khuyết điểm, thành khẩn tự phê bình, rút kinh nghiệm khi để xảy ra sai sót trong thực thi công vụ.

- Gương mẫu thực hiện, tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, người dân thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hương ước, quy ước trên địa bàn dân cư. Luôn gần gũi Nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động nơi cư trú.

- Hát Quốc ca khi tham dự lễ mít tinh, kỷ niệm, các sự kiện có nghi thức chào cờ Tổ quốc một cách nghiêm túc, với tinh thần trang trọng, tự hào.

- Luôn có ý thức rèn luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe; thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

 2.2. Những việc không được làm

- Xu nịnh, lấy lòng cấp trên; né tránh tự phê bình và phê bình; bao che khuyết điểm, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm; gây mất đoàn kết nội bộ.

- Ngại khó khăn, chọn việc, chọn vị trí công tác, hay bắt lỗi người khác nhưng cá nhân mình lại không chịu nỗ lực, rèn luyện.

- Tham ô, tham nhũng, lãng phí; cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, hẹp hòi, ganh ghét, đố kỵ; đưa thông tin sai sự thật về cấp trên, cấp dưới, đồng chí, đồng nghiệp và tình hình đời sống xã hội.

- Làm việc qua loa, đại khái, hình thức, chiếu lệ, đối phó, trung bình chủ nghĩa, tô hồng, đánh bóng thành tích.

- Lợi dụng hoặc để người thân trong gia đình lợi dụng vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để tư lợi, vì mục đích cá nhân.

- Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.

- Sử dụng rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc; làm việc riêng, chơi thể thao và các hình thức giải trí khác trong giờ làm việc (không do cơ quan, đơn vị tổ chức).

- Sử dụng phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội để gây ảnh hưởng cá nhân và bôi nhọ, hạ thấp danh dự, uy tín người khác; chia sẻ, lan truyền đối với những thông tin chưa chính thống, xấu, độc trên không gian mạng.

- Tổ chức việc cưới, việc tang, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, thăng chức, các hoạt động liên hoan khác của bản thân và gia đình vì mục đích phô trương, vụ lợi, gây lãng phí vật chất, thời gian, sức khỏe cho bản thân và những người tham gia. 

- Tham gia các tệ nạn xã hội, đánh bạc dưới mọi hình thức, mê tín dị đoan; xúi giục, kích động hoặc bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người khác.

3. Nêu cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành

Ngoài việc thực hiện tốt các nội dung đối với cán bộ, công chức, viên chức nêu trên, người đứng đầu cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:

- Gương mẫu đi đầu trong thực thi nhiệm vụ công tác, có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, giao tiếp, ứng xử hài hòa, mẫu mực trong cơ quan, đơn vị, nơi cư trú; luôn biết tự trọng và quý trọng danh dự.

- Khi có khuyết điểm phải thẳng thắn nhận và tập trung khắc phục; luôn yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và cấp dưới.

- Chỉ đạo, điều hành công việc theo quy chế, quy định; thực hành phong cách lãnh đạo dân chủ, khoa học, sâu sát thực tiễn; thực sự là hạt nhân xây dựng, giữ gìn mối đoàn kết, quy tụ, phát huy trí tuệ tập thể, cầu thị, lắng nghe ý kiến, nhất là các ý kiến góp ý phản biện, dư luận xã hội.

- Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

- Dân chủ, bình đẳng, bao dung, độ lượng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để khích lệ cán bộ cấp dưới đổi mới, sáng tạo, chủ động tham mưu, cống hiến và sửa chữa những khuyết điểm; không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ.

- Phân công nhiệm vụ rõ ràng và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức.

- Bảo vệ danh dự, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Luôn tạo niềm tin, cảm hứng cho cán bộ cấp dưới nỗ lực trong công tác, rèn luyện.

  - Công tâm, khách quan, không dọa dẫm, trù dập cấp dưới; không áp đặt định kiến cá nhân khi nhận xét, đánh giá cán bộ; bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp để phát huy năng lực, sở trường công tác; thực hiện tốt trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ kế cận.

  - Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn đọng ở cơ sở; giữ mối quan hệ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan; tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn cấp trên.

- Chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị, kể cả công việc đã phân cấp, ủy quyền cho cấp phó hoặc cấp dưới. Chịu trách nhiệm liên đới nếu để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm kỷ luật, kỷ cương và các quy định pháp luật.

4. Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng hội họp

- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc: Tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; bảo đảm Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không bao biện làm thay, tạo điều kiện cho chính quyền chủ động, linh hoạt thực hiện chức năng, quyền hạn theo quy định, đồng thời tránh buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy hiệu quả vai trò giám sát của cơ quan dân cử, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của Nhân dân.

- Rà soát sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định, phù hợp với thực tiễn. Thực hiện nghiêm quy chế làm việc. Nâng cao vai trò, trách nhiệm tập thể, thành viên các ban chỉ đạo, hội đồng, đoàn công tác của cấp ủy các cấp.

- Định kỳ thăm dò tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp theo quy định để nắm thông tin về cán bộ, làm cơ sở cho đánh giá cán bộ thực chất, khách quan; qua đó biết rõ ưu điểm để phát huy và khắc phục, sửa chữa các hạn chế, khuyết điểm.

- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với kiểm tra, giám sát; xử lý công việc đúng thẩm quyền, không bao biện, làm thay nhưng không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

- Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm trong quản lý văn bản, hồ sơ công việc. Thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính phù hợp với các quy định mới, giải quyết các thủ tục hành chính minh bạch, đúng hẹn.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng hội họp:

+ Các cuộc họp cơ bản phải được bố trí trong chương trình công tác; xây dựng, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để tăng họp trực tuyến, điều hành qua mạng điện tử; thành phần hội họp phù hợp với nội dung, sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị; chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng nội dung, gửi tài liệu cho đại biểu đảm bảo thời gian nghiên cứu; đại biểu dự họp phải chấp hành nghiêm quy định về hội họp, tuyệt đối không sử dụng điện thoại, máy tính cá nhân để làm việc riêng; không xử lý các công việc khác ngoài nội dung, tính chất của cuộc họp.

+ Ý kiến thảo luận ngắn gọn, trọng tâm, rõ quan điểm; khuyến khích phản biện, đối thoại, tranh luận trực tiếp tại cuộc họp; không lấy diễn đàn hội nghị để báo cáo thành tích tập thể, cá nhân hoặc bôi nhọ, hạ thấp danh dự, uy tín người khác.

Chủ trì điều hành và kết luận cuộc họp, hội nghị ngắn gọn, trọng tâm, phân công nhiệm vụ cụ thể, có thời hạn thực hiện và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.

Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phải kịp thời triển khai kết luận sau cuộc họp, hội nghị; phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; định kỳ báo cáo cấp có thẩm quyền.

5. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; khen thưởng, biểu dương, động viên kịp thời những gương điển hình, tiêu biểu. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân đối với cán bộ, công chức, viên chức.

6. Tổ chức thực hiện

- Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, người đứng đầu các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc Kết luận này và các quy định, nội quy, quy chế của Trung ương, của tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính; đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy chế, quy định, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định pháp luật và phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Định kỳ hằng tháng gắn với Lễ chào cờ, sinh hoạt chi bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đánh giá việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, biểu dương, phê bình nghiêm túc. Gắn đánh giá việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ với đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên, tập thể cơ quan, đơn vị, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.  

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy chế của Trung ương, của tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính và nội dung Kết luận. Khuyến khích, động viên Nhân dân phát hiện những vi phạm về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức.

- Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ tại các địa phương, đơn vị; kịp thời phản ánh, biểu dương các mô hình, điển hình, hiệu quả; đồng thời phản ánh, phê phán các đơn vị, cá nhân vi phạm.

- Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận, định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Văn phòng Tỉnh ủy).

Văn phòng Tỉnh ủy theo dõi, tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 272.254
    Online: 4