Luật cư trú 2020 chính thức có hiệu lực ngày 01/7/2020; sau đây là tổng hợp các điểm mới đáng chú ý của Luật này về đăng ký thường trú (đăng ký hộ khẩu), tạm trú.
Chính thức dừng cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ 01/7/2021: Điểm nổi bật nhất của Luật Cư trú 2020 đó là quy định về việc thay đổi phương thức quản lý cư trú từ truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý bằng số hóa; cụ thể: Đối với đăng ký thường trú: Thay vì cấp sổ hộ khẩu, khi công dân đủ điều kiện để đăng ký thường trú thì cơ quan đăng ký cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. Đối với đăng ký tạm trú: Thay vì cấp sổ tạm trú, khi công dân đủ điều kiện để đăng ký tạm trú thì cơ quan đăng ký có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. Như vậy, kể từ ngày 01/7/2021, sẽ dừng cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; đối với sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.
Điều kiện đăng ký thường trú ở các tỉnh, thành phố là như nhau: Hiện nay, Điều 19, 20 Luật Cư trú 2006 quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, tại các thành phố trực thuộc trung ương và tại nội thành Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/7/2021 thì điều kiện đăng ký thường trú theo quy định tại Luật Cư trú 2020 là như nhau tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp trong 7 trường hợp: Điều 38 Luật Cư trú 2020 quy định: Điều 38. Điều khoản thi hành 1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.….3. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Nội dung này đã được Bộ Công an hướng dẫn tại Điều 26 Thông tư 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021; cụ thể: Khi công dân thực hiện các thủ tục về cư trú trong 07 trường hợp sau đây mà dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp trước đó thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú: Thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú; Thực hiện điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; Thực hiện tách hộ; Thực hiện xóa đăng ký thường trú; Thực hiện đăng ký tạm trú; Thực hiện gia hạn tạm trú; Thực hiện xóa đăng ký tạm trú. Lưu ý là thực hiện các thủ tục trên thì chỉ thu hồi sổ khi dẫn đến có sự thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì mới thu hồi sổ đã cấp.
Thêm nhiều trường hợp công dân bị xóa đăng ký thường trú: Điều 24 Luật cư trú 2020 quy định 09 trường hợp công dân bị xóa đăng ký thường trú bao gồm:
(1) Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;
(2) Ra nước ngoài để định cư;
(3) Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của Luật này;
(4) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
(5) Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
(6) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp tại mục (8) dưới đây;
(7) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp tại mục (8) dưới đây;
(8) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;
(9) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.
Thêm nhiều trường hợp công dân bị hạn chế quyền cư trú: Hiện hành, Điều 10 Luật Cư trú 2006 chỉ quy định 03 trường hợp công dân bị hạn chế quyền cư trú gồm: Người bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; Người bị Toà án áp dụng hình phạt cấm cư trú; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế; Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.
Từ ngày 01/7/2020, Khoản 2 Điều 4 Luật Cư trú 2020 bổ sung thêm nhiều trường hợp công dân bị hạn chế quyền cư trú như: Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng; Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; Địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam...
07 địa điểm cấm đăng ký thường trú, tạm trú từ 01/7/2021: Theo quy định của pháp luật, công dân có quyền tự do cư trú cũng như được quyền đăng ký thường trú, tạm trú nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, có 07 địa điểm theo Điều 23 Luật Cư trú 2020 mà công dân bị cấm đăng ký thường trú, tạm trú gồm: Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật; Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật; Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Luật cư trú 2020 về thủ tục đăng ký thường trú: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hiện hành, Khoản 3 Điều 21 Luật cư trú 2006 quy định thời gian đăng ký thường trú 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Diện tích nhà thuê tối thiểu 08 m2 sàn/người mới được đăng ký thường trú: Khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú 2020 quy định diện tích nhà ở tối thiểu để được đăng ký thường trú đối với một số trường hợp, cụ thể:
Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú: … 3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó; b) Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/người.
Bỏ bản sao sổ hộ khẩu khi làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1: Hiện hành, khoản 1 Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định người dân phải nộp bản sao sổ hộ khẩu khi làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Tuy nhiên quy định này đã bị bãi bỏ tại khoản 4 Điều 37 Luật Cư trú 2020. Như vậy, từ ngày 01/7/2021, khi làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 sẽ không còn phải nộp kèm bản sao sổ hộ khẩu, giúp giảm bớt giấy tờ, chi phí,... cho người dân.
lượt đánh giá: , trung bình: